Cúm là bệnh gì?
Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra do virus cúm (Influenza virus). Bệnh cúm có thể tự khỏi nhưng cũng có khả năng gây ra những biến chứng nghiêm trọng ở người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, thiếu máu, bệnh chuyển hóa hoặc người có suy giảm miễn dịch, người trên 65 tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai… Bệnh có thể gây ra các biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Các chủng virus cúm hiện nay
Có 4 chủng virus cúm được ký hiệu là A, B, C, D. Trong đó chủng cúm A và B thường gặp ở người, cúm C gây bệnh nhẹ và thường không có triệu chứng, trong khi đó cúm D ảnh hưởng đến gia súc và không gây bệnh ở người.
Cúm A: là dạng cúm mùa phổ biến nhất, chiếm khoảng 75% số ca nhiễm cúm ở người. Virus cúm A được phân loại thành nhiều phân tuýp dựa theo sự kết hợp giữa kháng nguyên ngưng kết hồng cầu Hemagglutinin (H) và Neuraminidase (N) là các protein chính trên bề mặt của virus. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, cúm A có thể bùng phát thành những đợt dịch lớn nhỏ khác nhau. Các đại dịch cúm toàn cầu được ghi nhận trong lịch sử thế giới cũng do các chủng của virus cúm A gây nên như dịch cúm A (H5N1), dịch cúm A (H3N2), đại dịch cúm A (H1N1).
Cúm B: không được chia thành các phân týp, tuy nhiên nó có thể được chia làm 2 dòng là dòng B/Yamagata và dòng B/Victoria. Chủng cúm B cũng là một dạng cúm dễ gây bệnh ở người với tỷ lệ 25% số ca nhiễm cúm mùa hàng năm. Cúm B chỉ lây truyền từ người sang người, bệnh cúm B có khả năng lây lan rất mạnh, có thể gây thành dịch nhưng ít có nguy cơ trở thành đại dịch. Dù vậy, bệnh vẫn có thể có tác động nguy hiểm đến sức khỏe trong trường hợp diễn tiến nghiêm trọng.
Cúm C: So với 2 chủng cúm A và B, chủng cúm C ít gặp hơn, ít nguy hiểm hơn và không có những triệu chứng lâm sàng điển hình. Bệnh do cúm C không có khả năng bùng phát thành dịch ở người.
Cúm D: chủ yếu gây bệnh trên gia súc, chưa được xác định gây bệnh ở người. Virus cúm D có thành phần cấu tạo và đặc điểm phân bào tương tự như chủng virus cúm C.
Các giai đoạn phát triển của bệnh cúm
- Giai đoạn khởi phát (ngày thứ 1 – 3): Các triệu chứng cúm đột ngột xuất hiện bao gồm sốt, nhức đầu, đau và mỏi cơ, ho khan, đau họng, nghẹt mũi.
- Giai đoạn toàn phát (ngày thứ 4 trở đi): Triệu chứng sốt và đau nhức cơ giảm. Người bệnh bị khàn tiếng, có cảm giác khô hoặc đau họng, ho và cảm thấy tức ngực. Ngoài ra, một số người cũng có thể thấy cơ thể mệt mỏi hoặc đầy hơi.
- Giai đoạn hồi phục (ngày thứ 8 trở đi): Các triệu chứng giảm dần, cơn ho và cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài 1 – 2 tuần tiếp theo.
Sốt trên 38oC không hạ, mệt mỏi là triệu chứng để nhận biết cúm sớm
Nguyên nhân gây bệnh cúm
Virus cúm (Influenza virus) chính là nguyên nhân gây bệnh cúm ở người, virus cúm tấn công vào hệ hô hấp của người bệnh, bao gồm mũi, cổ họng và phổi. Theo nghiên cứu dịch tễ, các chủng virus cúm có khả năng biến đổi liên tục theo chu kỳ hàng năm, do đó tỷ lệ trẻ em và người lớn lây nhiễm với các chủng cúm mới có thể lên tới 90%.
Bệnh cúm thường gây ra bởi 3 chủng virus cúm A, B và C. Trong đó, chủng A và B là 2 chủng phổ biến nhất ở người. Cúm có khả năng lây nhiễm, được xếp vào một trong những bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất thế giới khi bùng phát thành đại dịch.
Song song với nỗi lo về Covid-19, bệnh cúm cũng xuất hiện quanh năm, đặc biệt khi thời tiết trở lạnh và có thể gây ra những ổ dịch rải rác tại các địa phương nếu không có các biện pháp phòng ngừa kịp thời.
Các dấu hiệu, triệu chứng cúm thường gặp
Biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm thường xuất hiện sau 2 ngày khi cơ thể tiếp xúc với virus gây bệnh. Có rất nhiều người nhầm lẫn giữa bệnh cúm và cảm lạnh do triệu chứng cúm và cảm lạnh tương đồng với nhau. Ngoài các dấu hiệu nhận biết bệnh cúm là đau họng, sổ mũi và hắt hơi (giống với cảm lạnh) thì bệnh cúm còn có các dấu hiệu cảnh báo như sau:
- Sốt vừa đến cao (trên 38oC);
- Cảm giác ớn lạnh;
- Đau đầu, chóng mặt;
- Đau nhức cơ bắp;
- Mệt mỏi toàn thân, cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực;
- Buồn nôn, tiêu chảy (thường xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn).
Thời gian ủ bệnh cúm thường kéo dài trong khoảng 2 ngày. Sau khoảng 5 ngày, triệu chứng sốt và các triệu chứng khác sẽ biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần.
Bệnh cúm có lây không? Lây qua đường nào?
Bệnh cúm là bệnh có khả năng lây nhiễm virus rất cao trong cộng đồng và tiềm ẩn nguy cơ lớn bùng phát thành đại dịch. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo trẻ em và người lớn nên chủ động phòng tránh và ngăn chặn nguồn lây virus cúm cho người khác. Vậy bệnh cúm có lây không? Bệnh cúm lây qua đâu? Thông thường, virus cúm lây truyền nhanh chóng từ người sang người chủ yếu qua 2 đường:
Lây qua dịch tiết đường hô hấp: Triệu chứng phổ biến ở những người nhiễm cúm là ho và hắt xì. Tuy nhiên, khi hắt xì và ho, người bệnh sẽ tạo điều kiện cho virus trong cơ thể bắn ra ngoài theo tuyến nước bọt. Với khả năng tồn tại dai dẳng, virus cúm có thể phát tán rộng trong không khí với phạm vi 2m. Do đó, người khỏe mạnh khi tiếp xúc gần, trò chuyện trực tiếp với người bệnh sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh.
Lây qua bề mặt tiếp xúc: Việc sử dụng chung vật dụng như khăn, quần áo, bàn chải, ly uống nước,… có thể ẩn chứa nguồn lây nhiễm virus bệnh cúm. Khi bệnh nhân ho hoặc hắt xì sẽ khiến cho các dịch tiết bắn ra ngoài và bám lên các đồ vật. Nếu bạn chạm phải đồ vật đó và vô tình đưa tay trực tiếp lên mũi, miệng thì nguy cơ cao virus sẽ xâm nhập và tấn công cơ thể.
Bệnh cúm có thể bùng phát vào bất kỳ mùa nào trong năm, đỉnh điểm là vào tháng 3, tháng 4, tháng 10 và tháng 11. Song song đó, các triệu chứng như sổ mũi, đau nhức cơ thể cũng sẽ nặng nề hơn vào mùa lạnh do không khí ẩn chứa nhiều nguồn vi khuẩn khác. Do đó, khi thời tiết trở lạnh, trẻ em và người lớn nên chủ động dự phòng bằng vắc xin, giữ ấm cơ thể và ngăn chặn mọi nguồn lây nhiễm để hạn chế khả năng bị bệnh.
Đối tượng nào dễ bị cúm?
Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh cúm, bệnh dễ gặp nhất ở những đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hoặc sức đề kháng yếu như:
Trẻ sơ sinh: Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chưa được tiêm vắc xin cúm nên có nguy cơ nhiễm cúm rất cao. Đối với những em bé sinh non (dưới 32 tuần tuổi) kèm theo những nguy cơ về sức khỏe có khả năng mắc cúm cao hơn và diễn biến nặng nề hơn.
Trẻ em: Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó có cúm mùa. Với những trẻ mắc bệnh lý nền như suyễn, rối loạn chuyển hóa, bệnh tim bẩm sinh, bệnh gan – thận… thì nguy cơ mắc cúm và biến chứng đặc biệt cao, do đó trẻ em luôn là đối tượng được khuyến cáo tiêm vắc xin cúm đầy đủ và tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.
Người lớn >65 tuổi: Những người có bệnh nền mãn tính như: tiểu đường, tim phổi, suy thận hoặc suy gan, suy giảm miễn dịch,…;
Phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú: Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều sự thay đổi, nội tiết tố thay đổi, hệ miễn dịch yếu hơn khiến cho sức đề kháng của họ suy giảm. Điều này khiến cơ thể bà bầu nhạy cảm hơn và dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh. Tương tự, trải qua quá trình sinh nở, người phụ nữ bị suy giảm sức khỏe thể chất cũng như sức đề kháng, tạo điều kiện cho virus cúm dễ dàng tấn công (4).
Phòng ngừa bệnh cúm
Hiện nay đang là mùa đông xuân, thời tiết lạnh ẩm, ô nhiễm môi trường, là điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm phát triển và lây lan. Để chủ động phòng chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng bằng nước muối thường xuyên.
- Luôn giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng kết hợp với luyện tập thể thao để nâng cao thể trạng.
- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
- Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
- Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.
Bệnh cúm có thể lây lan mạnh và trở thành “sát thủ” cho cả gia đình, cộng đồng ở bất kỳ thòi điểm nào trong năm. Giữa thời điểm Covid-19 đang tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát trên toàn cầu, trẻ em và người lớn cần chủ động chủng ngừa cúm đúng lịch, đủ liều để gia tăng miễn dịch dị hợp, giảm nguy cơ đồng nhiễm cúm mùa và Covid-19 trong cùng một thời điểm.
Người viết tin – Nguyễn Thị Cẩm Loan – Y tế trường học