CÁC BỆNH TRUYỀN NHIỄM THƯỜNG GẶP Ở TRẺ

1. Bệnh truyền nhiễm là gì?

Bệnh truyền nhiễm là tập hợp các bệnh do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi song phổ biến nhất là trẻ em, do đây là đối tượng có hệ miễn dịch kém, chưa được hoàn thiện như người trưởng thành

Ở trường mầm non, các bệnh thường gặp ở trẻ bao gồm: bệnh tay chân miệng, bệnh sởi, bệnh cúm, sốt xuất huyết hoặc thủy đậu. Mỗi loại bệnh có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ. Ngoài lưu tâm tới những triệu chứng bệnh, cha mẹ trẻ nên đưa trẻ tới gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ chi tiết hơn về các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ:

2. Các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ

2.1. Bệnh Tay chân miệng

Tay chân miệng là hội chứng bệnh do virus thuộc họ Picornaviridae gây ra. Khi mắc bệnh tay chân miệng, người bệnh thường gặp tổn thương dưới da, dạng nốt phỏng nước trên da và viêm loét niêm mạc miệng. Bệnh khi trở nặng có thể đi kèm biểu hiện sốt cao, khó thở, nôn trớ, thậm chí là co giật.

Tổn thương dưới da khi bị tay chân miệng

Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm: viêm não, viêm cơ tim, viêm phổi. Khi không được điều trị kịp thời, nguy cơ gây tử vong do mắc tay chân miệng rất cao.

Hiện vẫn chưa có vắc xin để phòng ngừa tay chân miệng. Tuy nhiên, vẫn có thể chủ động phòng ngừa bằng cách: hạn chế tiếp xúc với người bệnh, rửa tay kỹ với xà phòng sau khi chăm sóc người bệnh, không giặt chung đồ, không chọc vỡ nốt mụn nước trên cơ thể người bệnh,…

1 TCM

2.2. Bệnh Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một trong số các bệnh truyền nhiễm thường gặp nhất. Bệnh do virus Dengue gây ra, lây truyền khi bị muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) mang mầm bệnh đốt.

Sốt xuất huyết lây truyền do muỗi vằn Aedes aegypti mang mầm bệnh đốt

2 sôt xuất huyết

Người bị sốt xuất huyết thường có biểu hiện lâm sàng:

  • Sốt cao
  • Đau phía sau mắt
  • Đau các khớp, đau cơ
  • Buồn nôn
  • Phát ban ngoài da
  • Chảy máu cam

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sốt xuất huyết. Thay vào đó, các bác sĩ sẽ điều trị theo triệu chứng để tránh trường hợp bệnh diễn tiến nặng hơn.

2.3. Bệnh Cúm

Bệnh cúm là một trong các bệnh truyền nhiễm thường gặp lây lan nhanh qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bệnh. Hầu hết người bị cúm có thể kiểm soát triệu chứng bệnh ngay tại nhà, phục hồi sức khỏe trong vài ngày đến một tuần. Các triệu chứng khi bị cúm:

  • Đau đầu
  • Đau nhức cơ thể
  • Ho
  • Đau họng
  • Sốt cao
  • Ớn lạnh
  • Tiêu chảy,…

Trẻ mắc cúm thường có biểu hiện đau đầu, ho, mệt mỏi, sốt cao,…

3 cúm

Cúm ngày càng thể hiện sự nguy hiểm thông qua các diễn biến khó kiểm soát hơn, đặc biệt là ở trẻ em, người cao tuổi, người có các bệnh lý nền. Cúm có thế gây ra các biến chứng nghiêm trọng ở người yếu thế như: nhiễm trùng tai, viêm xoang, viêm phổi nặng, sảy thai,…

Hiện nay có nhiều loại vắc xin phòng bệnh cúm cho trẻ em và người lớn. Người lớn và trẻ em có thể tiêm nhắc lại hàng năm để phòng bệnh cúm, biến chứng do cúm gây ra.

2.4. Bệnh Sởi

Bệnh sởi do virus Morbillillin gây ra, xuất hiện phổ biến và nguy hiểm nhất ở trẻ em. Theo thống kê của UNICEF, bệnh sởi có khả năng lây nhiễm cao hơn Ebola, lao, cúm. Sau thời gian ủ bệnh từ 10-12 ngày, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng: sốt, ho khan, sổ mũi, chảy máu cam, đau họng,… Bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm tai giữa
  • Viêm phổi nặng
  • Viêm não
  • Viêm phế quản
  • Gây sảy thai, sinh non
  • Dẫn đến tử vong (phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi).

Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi là phương pháp đơn giản, hiệu quả nhất để bảo cộng đồng khỏi căn bệnh nguy hiểm này. Có thể tiêm được cho cả người lớn và trẻ nhỏ từ 9 tháng tuổi trở lên.

4 sởi

Bệnh sởi thường gặp nhất ở trẻ em, nguy cơ lây nhiễm cao và có thể gây biến chứng nguy hiểm: Viêm tai giữa, Viêm phổi nặng, Viêm não,…

2.5. Bệnh Thủy đậu

Thủy đậu do virus varicella gây ra, thường xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh có thể lây truyền qua người bằng tiếp xúc trực tiếp, đường không khí qua giọt nhỏ dịch tiết ở đường hô hấp. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh: sốt, đau đầu, phát ban dạng phỏng nước,…

Thủy đậu là bệnh lành tính, có thể khỏi nhanh chóng sau 7-10 ngày mà không gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có thể biến chứng gây nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm gan, suy hô hấp và tử vong…

5 thủy đậu

Trẻ em từ 9 tháng tuổi và người lớn có thể tiêm vắc xin phòng thuỷ đậu để dự phòng bệnh. Phụ nữ có thai nên hoàn tất lịch tiêm vắc xin phòng bệnh thuỷ đậu ít nhất 1 đến 3 tháng.

3. Cách phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm ở trẻ

Ngoài áp dụng những cách chăm sóc tại nhà, cha mẹ trẻ nên quan tâm tới cách phòng bệnh tốt nhất cho trẻ. Đặc biệt là trong thời điểm bệnh truyền nhiễm dễ bùng phát và đạt đỉnh, hãy bảo vệ con bằng các nguyên tắc phòng bệnh sau:

  • Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Chú ý che miệng và mũi khi hắt hơi, đồng thời mang khẩu trang khi tới những nơi đông người.
  • Rửa tay sạch bằng xà phòng nhiều lần trong ngày (bao gồm người lớn và trẻ em), tốt nhất là trước khi nấu ăn, trước khi ăn hoặc cho trẻ ăn, sau khi dùng nhà vệ sinh và thay tã cho trẻ, trước khi bế ẵm hoặc sau khi tiếp xúc với các bọng nước.
  • Thực hiện tiêm chủng định kỳ cho bé để giảm nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm.
  • Giữ vệ sinh không gian sống. Khử trùng các dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, đồ dùng học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa, sau đó rửa lại với nước sạch.
  • 6 rữa tay

Rửa tay mỗi ngày là biện pháp phòng ngừa bệnh truyền nhiễm hiệu quả nhất cho trẻ

Ngoài điều trị bệnh truyền nhiễm theo phác đồ phù hợp, cha mẹ trẻ có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, kết hợp dinh dưỡng khoa học, nghỉ ngơi hợp lý và vệ sinh thân thể đúng cách. Điều này giúp thuyên giảm tình trạng bệnh, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Người viết tin – Nguyễn Thị Cẩm Loan – Y tế trường học